Cần có sự điều chỉnh trong đào tạo, chính sách dành cho lực lượng làm công tác lý luận phê bình

57 lượt xem
(Thanhuytphcm.vn) - Công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật là một nội dung quan trọng cần được phát triển song song với sự phát triển văn học, nghệ thuật để có tác động tương hỗ, kịp thời điều chỉnh, định hướng cho hoạt động văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều bất cập trong công tác lý luận phê bình... 
Cần có sự điều chỉnh trong đào tạo, chính sách dành cho lực
                    lượng làm công tác lý luận phê bình

Bất cập từ việc đào tạo và đội ngũ làm công tác lý luận phê bình 

Hiện nay chúng ta không có đội ngũ làm công tác lý luận phê bình chuyên nghiệp. Có thể thấy chúng ta chưa có lực lượng chuyên làm công tác lý luận phê bình do công tác đào tạo ngành lý luận phê bình hiện nay đã không còn tồn tại ở những trường chuyên ngành lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh đã hơn 8 năm nay không thể tuyển sinh ngành lý luận phê bình vì vậy khoa lý luận phê bình cũng không còn. Tại Nhạc viện TPHCM, nội dung môn lý luận cũng chỉ xoay quanh lý thuyết về âm nhạc, không đào tạo chuyên về lý luận, phê bình âm nhạc. Các trường đại học chuyên ngành văn học, nghệ thuật khác cũng không có mã ngành lý luận phê bình. Từ thực tiễn đó cho thấy chúng ta đã thiếu hụt nguồn nhân lực làm công tác lý luận phê bình trong nhiều năm qua.

Vậy hiện nay ai đang trực tiếp làm công tác lý luận phê bình? Đó là các nhà báo, một vài chuyên gia lĩnh vực văn học, nghệ thuật và một vài văn nghệ sĩ có chuyên môn cao. Bằng những kinh nghiệm và vốn chuyên môn sẵn có, lực lượng này đã góp phần có những bài viết trong các tọa đàm, hội thảo, bài báo, tham gia vào các diễn đàn lý luận phê bình, góp phần có tiếng nói phản biện trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên những hoạt động này còn mang tính riêng lẻ, chưa có tiếng nói chung hay diễn đàn chung của giới lý luận, phê bình hay bệ phóng truyền thông làm giá đỡ cho những bài viết này lan tỏa mạnh mẽ. Một số bài phê bình chưa thật sự đúng nghĩa hoàn toàn theo cách hiểu lý luận, phê bình, mà chỉ mới phản ánh được hiện tượng và giới thiệu tác phẩm, chưa phản ánh được những xu hướng mới, thiếu tính dự báo, định hướng…

Thực tiễn công tác lý luận phê bình

Lý luận phê bình vốn là một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm vì nó liên quan đến việc đánh giá, nhận xét một tác phẩm, một xu hướng văn học, nghệ thuật. Vì vậy, người viết lý luận, phê bình gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo đuổi mảng viết này. Đa số người viết lý luận, phê bình thường tránh, chưa dám đi thẳng vào phê bình thực tiễn sáng tác, rất ngại đi sâu vào vấn đề đánh giá hay phân tích một tác phẩm, một xu hướng văn học, nghệ thuật hay đề ra định hướng, điều chỉnh, vì khi ấy sẽ gặp rất nhiều trở ngại, rắc rối từ phía đối tượng được phê bình.

Thực tế không ít nhà lý luận phê bình đã gặp những phiền toái khi viết bài lý luận, phê bình cho một tác phẩm cụ thể, dẫn đến những tranh cãi và mâu thuẫn, thậm chí có thể trở thành những trận “bút chiến”… Vì vậy, nhiều người chọn “né” và chỉ viết ở mức độ trung dung.

Ở góc độ nhà báo thường viết dạng thông tin văn học, nghệ thuật và giới thiệu, nhận định tác phẩm văn học, nghệ thuật thường theo chiều hướng mang tính hỗ trợ cho tác phẩm là chính. Đó là vì ngoài việc muốn góp phần cho tác phẩm nghệ thuật phát triển còn tránh những va chạm, rắc rối khi phê bình những ngóc ngách còn nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia thường đi vào lý thuyết lý luận, mang tính học thuật nhiều hơn thực tiễn.

Từ nhận định trên, cũng có thể nhìn nhận hiện nay chưa có nhiều bài viết lý luận phê bình đi vào việc đấu tranh phản bác quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Cụ thể, những năm gần đây có những quan điểm, xu hướng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật đi trái lại quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước như những sáng tác mang tính đả phá đường lối lãnh đạo, phê bình tiêu cực xã hội một cách quy chụp, gầy dựng lại văn hóa, tác phẩm trước năm 1975 để đem ra so sánh, đánh giá lệch lạc đường lối phát triển văn học, nghệ thuật hiện nay… nhưng rất hiếm có bài viết mạnh mẽ chỉ ra và phản bác lại những tác phẩm, quan điểm sai trái này.

Khi chưa có một đội ngũ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản và khi đội ngũ làm công tác này chưa thể sống bằng nghề viết lý luận, phê bình thì theo quy luật khó có thể phát triển công tác lý luận phê bình một cách mạnh mẽ. Có lẽ đến lúc cần đánh giá lại quy luật cung - cầu trong việc đào tạo và phát triển lực lượng làm công tác lý luận, phê bình. Cần có sự điều chỉnh trong đào tạo chuyên ngành lý luận, phê bình, có chính sách bảo vệ người viết lý luận phê bình mới khuyến khích động viên người viết lý luận, phê bình mạnh dạn dấn thân, đi vào những vấn đề “nóng”, đương đầu với những rắc rối, phức tạp trong lĩnh vực này.

Công tác đào tạo vẫn là vấn đề then chốt, để phát triển nguồn nhân lực làm công tác lý luận phê bình buộc phải có lực lượng được đào tạo chính quy hoặc ngắn hạn và phải có “đất quy hoạch” cho lực lượng này hoạt động mới mong có được một lực lượng làm công tác lý luận phê bình chuyên nghiệp phục vụ cho quá trình phát triển văn học, nghệ thuật trong tương lai.


Chủ đề:
Bài viết liên quan